Không chỉ còn lấn cấn trong cách hiểu về điều kiện kinh doanh mà có hiện tượng một nghề nhưng lại được điều chỉnh trong nhiều văn bản. Đó là những vấn đề xung quanh 49 dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp
Lẫn với khái niệm
Một trong những khó khăn của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là khó nhận diện như thế nào là điều kiện kinh doanh, phân biệt khái niệm này với tiêu chuẩn, quy chuẩn. Và ngay cả khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn thì cũng chưa thống nhất trong cách hiểu. Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Nguyễn Hồng Tuyến nêu thực trạng, do thiếu thống nhất trong cách hiểu về quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư nên khó khăn trong việc xác định phạm vi điều chỉnh; nhiều nội dung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn lẫn với quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là các nghị định về điều kiện đầu tư được nâng lên từ thông tư, dẫn đến nhiều dự thảo văn bản không chỉ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh mà còn quy định các vấn đề về thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh. Có thể thấy rõ sự lẫn lộn này ở các dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hải quan; Nghị định về điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
|
Minh họa (Nguồn: ITN)
|
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong lĩnh vực giao thông - vận tải có 36 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi rà soát, Bộ đã quyết định bỏ điều kiện trong nghề kinh doanh bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Hiện có sự lẫn lộn giữa những quy định về điều kiện gia nhập thị trường (hiểu nôm na là điều kiện kinh doanh) và điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thực tế, để đủ điều kiện gia nhập thị trường thì cần thỏa mãn các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật do các bộ, ngành quy định.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Thị Trang nêu thực tế, không ít người băn khoăn giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật. Đặc tính kỹ thuật của thiết bị, cơ sở vật chất, con người đó có phải là điều kiện kinh doanh không.
Chính vì có sự chưa thống nhất, chưa rõ ràng, nên có dự thảo nghị định đưa “thành phần bao bì” là điều kiện kinh doanh!!! Tất cả những vấn đề được đại diện bộ, ngành nêu lên có thể thấy đây hoàn toàn là những vấn đề về kỹ thuật và nếu như không giải quyết được trong quá trình thẩm định, thẩm tra thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của các văn bản hướng dẫn về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa kể đến những văn bản quy định điều kiện hành nghề (nghề y) lại nằm trong điều kiện thành lập (bệnh viện) thì sẽ được xử lý như thế nào? Bởi khi quy định những vấn đề nêu trên ở tầm nghị định, thì việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề mới sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với thông tư.
Một nghề, nhiều nghị định điều chỉnh
Liên quan đến các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, thì các bộ, ngành phải ban hành 49 nghị định. Đến thời điểm này, đã có 48 nghị định được gửi đến Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là có sự chồng chéo, xâm lấn giữa các nghị định về đối tượng điều chỉnh, tác động. Cụ thể, một nghề nhưng lại được điều chỉnh bởi nhiều nghị định. Chẳng hạn, trong lĩnh vực khoáng sản, có cả nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo) và nghị định đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương (do Bộ Công thương soạn thảo). Hay cũng là điều chỉnh những nghề giáo dục nhưng nếu giáo dục y tế thì lại do hai bộ điều chỉnh hoặc giáo dục nghề, hướng nghiệp... thì có thêm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Điều này vô hình trung không chỉ gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật (dẫn chiếu điều luật, tìm văn bản để áp dụng) mà doanh nghiệp sẽ không biết rõ là trong quá trình hoạt động kinh doanh thì sẽ tuân thủ theo văn bản nào, hay từng giai đoạn kinh doanh lại điều chỉnh theo một văn bản. Nếu nhìn ở góc độ này, thì các quy định pháp luật không còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nữa.
Thực tế vào thời điểm này giải quyết vấn đề nêu trên không dễ, nhất là khi dự thảo văn bản đang ở giai đoạn thẩm định, thẩm tra hoặc đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, không vì thế mà không làm bởi như đã phân tích ở trên. Cần rà soát lại những vấn đề còn vướng tại các dự thảo để có sự điều chỉnh trước khi ban hành, bảo đảm tính hiệu quả của văn bản.
Nguyễn Minh
Theo daibieunhandan.vn